Sự thật về người đàn ông khiếm khuyết 2 chân, bò lê ăn xin ở miền tây khiến nhiều người ngỡ ngàng

Trong cuộc sống khó lòng tránh khỏi những biến cố lớn, khiến mỗi người rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, phải sống dựa vào tình thương của người khác.

Và với những nghĩa cử cao đẹp của tình người, đa số mọi người đều chọn cách giúp đỡ, “lá lành đùm lá rách”. Thế nhưng, cũng chính từ lòng tốt ấy không ít người đã lợi dụng, sống dựa vào sự thương hại để trục lợi, phục vụ mục đích cá nhân.

Hình ảnh người đàn ông gây xôn xao dư luận thời gian gần đây. (Ảnh: FB B)

Trang Yêu Bến Tre đưa tin, từ năm 2018 người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và một số tỉnh lân cận thường hay bắt gặp hình ảnh một người đàn ông khiếm khuyết đôi chân, oằn mình trên chiếc xe tự chế, lê la mọi góc đường để vừa bán vé số vừa ăn xin. Được biết, người được nhắc tới chính là H.V.T (1993, Tiền Giang). Nhìn dáng vẻ khổ sở của T khi cố gắng mưu sinh khiến người đi đường không khỏi đồng cảm mà mở lòng hỗ trợ, nhằm giúp cuộc sống của T được ổn định hơn.

H.V.T và hình ảnh quen thuộc đối với người dân ở một số tỉnh miền Tây. (Ảnh: FB B)

Thế nhưng, mới đây, người dân không khỏi hoang mang khi hay tin lòng thương của mình đã được đặt nhầm chỗ. Cụ thể, vào 17h ngày 27/7/2022, khi T đang mải mê với công việc thì lực lượng công an tại xã Bình Đại – Bến Tre đã nhận thấy nhiều điểm bất thường. Chính vì vậy, lực lượng chức năng đã ngay lập tức mời T về trụ sở để điều tra làm rõ. Qua đó, T cho biết cơ thể hoàn toàn bình thường và bắt đầu giả làm người tàn tật từ năm 2018.

Công an yêu cầu T thực hiện lại hành động bò lê trên đường. (Ảnh chụp màn hình: FB Yêu Bến Tre)

Ngay sau đó, được công an yêu cầu đứng dậy, T đã đứng một cách dễ dàng. (Ảnh chụp màn hình: FB Yêu Bến Tre)

Ở tuổi 29, thay vì chọn một công việc chân chính để kiếm tiền nuôi sống bản thân, T lại chọn trục lợi từ lòng thương của người khác. Chính điều này đã khiến mọi người không khỏi bức xúc. Ắt hẳn quyết định “sống nương tựa” này đã được tác động bởi nhiều yếu tố. Và có lẽ yếu tố tiên quyết chính là số tiền thu được từ lòng thương của mọi người khá lớn. Được biết, tại thời điểm kiểm tra, trên người T có 3.180.000 đồng, bao gồm 1.700.000 đồng thu được từ việc bán vé số và người dân thương tình cho 1.480.000 đồng. Một con số có khi bằng cả mức lương của người lao động chân tay trong suốt một tháng.

Số tiền mà T thu được. (Ảnh: FB K.T)

Hiện tại, mọi người vẫn đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại khoảnh khắc T từ một người khiếm khuyết đôi chân chuyển sang đi đứng bình thường sau một lời yêu cầu từ phía công an. Trước thực trạng đáng buồn này, đa số mọi người đều bày tỏ sự chê trách với cách sống của T. Bên cạnh đó, một số người còn cho rằng, cần phải khắt khe hơn trong việc đặt tình thương đối với những hoàn cảnh ngoài xã hội. Đồng thời, chỉ nên trao tiền, trao quà đến những người thực sự xứng đáng.

Đôi chân của T hoàn toàn bình thường. (Ảnh: FB K.T)

Liên quan đến việc trục lợi lòng thương từ người khác, cách đây không lâu mọi người cũng từng bàn tán xôn xao với trường hợp của cậu bé ngồi ăn xin giữa đường.

Dáng vẻ đáng thương của cậu bé. (Ảnh chụp màn hình TikTok K.M)

Là một đoạn clip ngắn thu hút sự quan tâm của mọi người bởi hình ảnh một cậu nhóc với dáng vẻ gầy gò, đôi mắt đầy nỗi buồn đang chờ đợi lòng thương từ mọi người. Cậu bé cúi đầu, ngồi lẳng lặng khiến người đi qua không thể không động lòng mà ủng hộ. Thế nhưng ngay sau đó, bất ngờ đoạn clip lại đăng tải hình ảnh một cậu bé cởi trần, đầu đội nón đen, mặc quần đùi ngồi thoải mái trong một quán net. Vẫn với dáng người gầy gầy, gương mặt ấy nhưng lại xuất hiện ở một nơi khác trái ngược hoàn toàn với vẻ tiều tụy của bản thân vào buổi sáng, cậu bé này thoải mái ngồi chơi game trong quán.

Cậu bé chơi game trong quán. (Ảnh chụp màn hình TikTok K.M)

Sau khi xem xong đoạn clip, đa số mọi người đều ngậm ngùi khi lòng tin của mình bị “sụp đổ”. Dù biết rằng, cậu bé trong đoạn clip vẫn còn nhỏ và chưa ý thức được hết tác hại từ việc làm của mình. Thế nhưng, từ sự việc của cậu bé, ắt hẳn niềm tin của mọi người dành cho những số phận khó khăn ngoài xã hội cũng bị giảm sút đáng kể.